Lãnh đạo nhóm trong 18 ngày - Ngày 2

Wednesday, May 2, 2012 0 phản hồi

Ngày 2: Diễn đạt trơn tru điều muốn nói


Tại sao phải diễn đạt tốt?

Người xưa thường nói: "cái miệng kiện cái thân" hoặc "trước khi nói uốn lưỡi bảy lần" để nói lên tầm quan trọng của "phương thức diễn đạt bằng lời".

Ngày nay trong cuộc sống hiện đại, việc trình bày - giao tiếp là yếu tố quan trọng để giúp ta thành công trong cuộc sống/công việc.

Thử tưởng tượng: bạn là người luôn gặp vấn đề trong việc giao tiếp; bạn mất thời gian để diễn đạt được ý tưởng trong đầu với đối tác/đồng nghiệp; bạn luôn làm người khác hiểu lầm ở những câu nói đầu tiên;... Những điều này ảnh hưởng gì đến công việc của bạn?
1. Công việc của bạn chắc chắn không hiệu quả. Ngành phần mềm luôn cần giao tiếp nhóm. Diễn đạt/giao tiếp không tốt sẽ làm mất nhiều thời gian của bạn và những đồng nghiệp (để hiểu được bạn). Đôi khi, tai hại hơn người ta có thể làm sai ý bạn muốn nói. Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể/dám trao cho bạn sứ mạng quản lý nhóm nếu bạn làm việc không hiệu quả.

2. Hệ quả tất yếu của việc diễn đạt kém là bạn thường thiếu tự tin. Do vậy bạn cũng ngại giao tiếp và trình bày. Kết quả là: người ta không nhìn thấy được năng lực của bạn. Cũng vì lẽ đó, bạn cũng không được cất nhắc trong công việc.

Bạn có vấn đề về diễn đạt hay không? 



Hãy trả lời cho một số câu hỏi dưới đây và đo kết quả:
1. Bạn mất bao lâu để kể/viết lại câu chuyện ngụ ngôn "Thầy bói xem voi"? Bạn có thể dùng bao nhiêu câu để kể/viết lại câu chuyện đó? (bạn có thể đọc câu chuyện này lại trước khi kể).
Kết quả: Thời gian <5 phút, số câu < 10 => Tốt. Ngược lại: bạn gặp vấn đề về diễn đạt.

2. Bạn có cảm thấy tự tin khi trình bày một vấn đề trước đồng nghiệp?

3. Bạn thường mất bao lâu để trình bày một ý tưởng/thông tin cho đồng nghiệp? >15 phút => bạn đang có vấn đề.

4. Khi phải viết một bản báo cáo/tài liệu, bạn có bao giờ rơi vào trạng thái: không biết phải viết gì/viết như thế nào?

5. Khi trình bày bằng lời trước mọi người, có phải tất cả mọi người đều hiểu được ý bạn nói nhanh chóng hay bạn phải lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều phương thức khác nhau để diễn được hết ý?

Trên đây là những câu hỏi đơn giản để trắc nghiệm bản thân bạn trong việc diễn đạt. Những câu hỏi dạng "Có/Không" thì tôi không cần đưa kết quả chi tiết vì khá rõ ràng để bạn biết câu trả lời nào là "Có vấn đề".

Cái gì làm cho bạn diễn đạt tốt?

Có 3 yếu tố theo tôi tạo nên sự diễn đạt trơn tru:
1. Suy nghĩ - lập luận logic: giống như làm tập làm văn, để một bài viết hay và thuyết phục - nó phải được xây dựng dựa trên một sườn ý vững chắc (cả về mặt lập luận lẫn liên kết). Lập luận giống như một bộ xương trên cơ thể người. Thiếu nó, bạn chẳng biết phải diễn đạt cái gì và dễ đưa bạn vào một trạng thái lan man (hay còn gọi là lạc đề).

2. Vốn ngôn ngữ: ngôn ngữ là vỏ bọc, là phương tiện để chuyển tải suy nghĩ/lập luận của bạn đến cho người nghe, người đọc. Thiếu vốn ngôn ngữ, bạn sẽ thiếu hẳn phương pháp truyền tải. Vốn ngôn ngữ bao gồm các yếu tố chính:

a. Từ vựng: bạn đừng nghĩ rằng bạn biết hết từ tiếng Việt. Có những từ bạn chưa hiểu hết nghĩa của nó hoặc thậm chí bạn chưa vận dụng đúng ngữ nghĩa của nó trong cuộc sống. Khi bạn có nhiều vốn từ, việc diễn đạt của bạn cũng sẽ dễ dàng hơn.

b. Ngữ pháp và cách thức liên kết câu: đọc đến đây, chắc bạn bảo: có lẽ ông nên đi dạy môn "tiếng Việt thực hành" hay hơn làm IT. Thật ra, đây là một yếu tố quan trọng để giúp bạn diễn đạt hay. Bạn đừng bảo tôi quá lý thuyết vì tôi không yêu cầu bạn học môn "tiếng Việt thực hành" sau bài viết này. Tôi sẽ chỉ bạn cách để có nó mà không cần đi học.

3. Vốn sống: khi truyền tải một vấn đề, để làm nó hấp dẫn, lôi cuốn - bạn cần một vốn sống hoặc những trải nghiệm/minh họa trong thực tế. Đây là yếu tố phụ nhưng nó giúp bạn trình bày hay hơn. Những nhà hùng biện, các diễn thuyết gia phần lớn thu hút được công chúng chính là nhờ những vốn sống và trải nghiệm của họ.

Làm sao để diễn đạt tốt?

Tạo vốn ngôn ngữ cho bản thân

Ngày tôi còn nhỏ, tôi có cái may mắn hơn những bạn bè cùng trang lứa là được ba tôi tạo cho tôi thói quen đọc sách. Đọc nhiều sách giúp tôi có 3 cái lợi:

1/ Nó làm cho lượng kiến thức của tôi tăng lên. Điều này giúp tôi tự tin hơn khi diễn đạt.

2/ Những câu chuyện từ sách cũng làm phong phú thêm vốn sống tôi có. Do đó lúc tôi diễn đạt bằng lời - tôi dễ dàng vận dụng những câu chuyện mà tôi biết để làm cho mọi người cuốn hút.

3/ Số vốn từ tiếng Việt và cách vận dụng văn phạm, cú pháp, liên kết cũng theo đó mà được truyền vào tôi một cách tự nhiên. Tôi chẳng cần phải đọc cuốn văn phạm tiếng Việt nào một cách máy móc để nhớ cả.

Một lưu ý nhỏ: các bạn đừng nhầm lẫn giữa việc "đọc sách" và "xem sách". Đây là 2 khái niệm khác nhau. Bạn đọc sách để cảm nhận nội dung và thấm từng câu chữ của sách. Xem sách chỉ là cố gắng nuốt quyển sách một cách vội vàng để biết được nội dung nó nói gì.

Ngày nay, các bạn trẻ thường lười đọc sách chữ mà chỉ thường xem phim/xem truyện tranh. Chính điều này làm cho bạn mất dần đi vốn ngôn ngữ.

Tôi biết rằng sau khi tôi viết những dòng ở trên, bạn sẽ "ghi nhận" chứ không muốn thực hành. Đơn giản vì bạn nghĩ đến nhiều lý do:

+ Sách chữ dày quá. Lười đọc lắm.
+ Không có thời gian.
+ Chả hiểu sao không khoái đọc sách. Trước giờ quen vậy rồi. Sao thay đổi được?

Bạn ạ, thói quen là do con người tạo ra. Lỗ Tấn từng nói trong AQ Chính Truyện: "Thực ra trên đời này làm gì có đường. Chẳng qua người ta đi mãi mà thành đường đó thôi".

Hãy bắt đầu bằng việc đọc những thể loại sách gần gũi với sở thích của bạn. Sau đó dần dần thử nghiệm với những thể loại mới. Nếu bạn ko thích những quyển sách mang tính "lý luận/phương pháp", hãy thử đọc truyện, tiểu thuyết... Tuy nhiên, đọc nhiều thể loại sẽ giúp bạn cảm nhận và hấp thụ được nhiều loại văn phong/phương pháp diễn đạt khác nhau.

Rèn luyện khả năng lập luận logic

Lúc mới đi làm, tôi có thể trình bày những vấn đề đơn lẻ khá tốt (vì có vốn ngôn ngữ để diễn đạt). Tuy nhiên, khi gặp một vấn đề phức tạp, tôi thường hay nói lan man. Tôi phát hiện ra mình thiếu 2 khả năng: phân tích và lập luận. Vì vậy, tôi thường xuyên làm bài tập sau:

1. Trước khi diễn đạt vấn đề, tôi viết ra giấy những ý chính của vấn đề cần diễn đạt. Về sau, tôi chỉ cần nghĩ trong đầu.
2. Khi có các ý chính, tôi suy nghĩ mình sẽ nói mỗi ý như thế nào, minh họa ra sao cho dễ hiểu và hấp dẫn.
3. Khi nói, giữa các ý chính - tôi suy nghĩ mình sẽ chuyển tiếp như thế nào một cách tự nhiên về mặt lập luận.
4. Tôi tự nói trước gương, trong toilet, suy nghĩ trước lúc ngủ... bất cứ khi nào mình có thời gian - tưởng tượng mình đang trình bày trước một hoặc nhiều người về một vấn đề nào đó.

Tôi làm bài tập này liên tục mà dần thành một thói quen. Ban đầu tôi nghĩ đến một vài đề tài dựa theo kiến thức mình biết. Dần dần, mỗi khi làm seminar, hướng dẫn cho những bạn mới, training, presentation ... tôi đều vận dụng. Khi đã thuần thục, tôi có thể trình bày không cần có sự chuẩn bị trước và phản xạ theo tình huống.

Trau dồi vốn sống
Một trong những cách giúp tôi có thêm vốn sống đó là: tăng cường giao tiếp. Trao đổi với nhiều người, lắng nghe họ trình bày quan điểm sống, chia sẻ công việc, thông tin - tôi thấy mình gần gũi hơn với họ và cũng có nhiều vốn sống hơn.

Ngoài ra, bạn còn có rất nhiều cách khác để làm tăng vốn sống của mình: đọc sách báo, xem TV, cập nhật thông tin mỗi ngày...

Thực hành

Đọc mỏi mắt rồi, giờ bạn cần thực hành. Rất đơn giản - chỉ cần từ ngày mai, bạn hãy:
1/ Mỗi tháng đặt chỉ tiêu cho mình đọc ít nhất 1,2 quyển sách (thể loại bất kì - trừ truyện tranh)

2/ Mỗi ngày, thử suy nghĩ về một vấn đề nào đó - đứng trước gương và tập nói về vấn đề đó. Bạn nên làm theo các bước tôi đề cập ở phần Rèn luyện khả năng lập luận logic. Đừng chọn chủ đề quá khó lúc đầu. Điều quan trọng là khi thực hành cần nói ra tiếng - đừng nghĩ trong đầu. Khi nói ra thành tiếng, bạn sẽ dần tập sự tự tin - phát hiện giọng nói, ngữ điệu của mình để điều chỉnh cho phù hợp.

Nếu bạn ở chung với người thân và cảm thấy ngại khi luyện tập, hãy bắt đầu bằng việc viết ra giấy. Tuy nhiên, cách này không hiệu quả bằng tập nói trước gương.

Lãnh đạo nhóm trong 18 ngày - Ngày 1

Friday, April 13, 2012 2 phản hồi

Ngày 1 - Tạo lòng tin với mọi người


Cơ sở của lòng tin

Bạn đã bao giờ tự hỏi: tại sao bạn tin tưởng một người bạn? tại sao bạn tin tưởng vào cấp trên?

Tôi đã từng đặt những câu hỏi như thế và tôi tự tìm câu trả lời cho mình. Theo tôi, có 2 lý do để một người đặt niềm tin vào một người:

1/ Sự xác nhận trên những cam kết của họ trong cuộc sống.
2/ Năng lực bản thân của họ: có thể bạn tin một người mà bạn chưa nghe đến uy tín của họ chỉ vì lý do "họ có năng lực để đảm trách nhiệm vụ, công việc bạn cần".

Câu hỏi đặt ra: theo bạn (1) hay (2) là điểm quan trọng quyết định?

Bạn hãy nghĩ về một số tình huống dưới đây:

Một người rất giỏi về kĩ năng chuyên môn - tuy nhiên trong công việc anh ta không thể hoàn thành đúng những điều anh đã cam kết. Sau một thời gian lòng tin của mọi người đối với anh ta như thế nào?

Một người luôn được lòng tin của mọi người vì anh ta luôn hoàn thành mọi công việc đúng như anh cam kết. Một ngày đẹp trời, sếp chuyển anh vào một vị trí cao hơn. Vị trí này đòi hỏi nhiều hơn về năng lực của anh ta. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian - anh ko thể nâng cao năng lực của mình. Vậy anh có thể duy trì việc đảm bảo những kết quả dựa trên cam kết của anh nữa không?

(1) là yếu tố giúp bạn có được lòng tin lâu dài và bền vững.
(2) là yếu tố giúp bạn xây dựng (1). Lòng tin dựa trên năng lực chỉ là lòng tin tạm thời - nó ko thể được duy trì nếu bạn không thực hiện được lời hứa của chính mình.



Bạn trẻ thường hay nghĩ:mình phải giỏi, thật xuất sắc thì người khác tin mình. Ngày tôi còn bé, bạn bè trong lớp gọi tôi là "kho từ điển sống". Họ tin tôi vì họ nghĩ rằng tôi biết nhiều thứ. Lòng tin thưở bé là lòng tin chưa được trải nghiệm - nó chỉ đơn giản là cảm giác ngưỡng mộ thần tượng. Càng lớn lên, tôi hiểu hơn rằng: giỏi hơn người khác chưa chắc đã được người khác tin tưởng. Năng lực bản thân chỉ là phương tiện để xây dựng lòng tin. Đơn giản chỉ bởi vì: người lớn thì chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng.

Tại sao tôi phải làm người khác tin tưởng


Nếu trái đất quay trở lại thưở hồng hoang và tôi là kẻ có sức khỏe phi thường - tôi chẳng cần tin ai cả. Đơn giản, tôi có thể làm mọi thứ một mình. Tôi có thể dựa trên năng lực của mình để cưỡng đoạt mọi thứ tôi muốn.

Tiếc rằng tôi đang ở vào thời điểm vài chục/trăm ngàn năm sau đó.

Bây giờ, tôi muốn thành công, tôi phải có đồng đội. Vì có muôn ngàn việc trong cuộc sống phức tạp này chẳng thể làm một mình. Chẳng ai làm đồng đội của tôi nếu họ không tin tôi.

Bây giờ, tôi muốn thành công, tôi phải có cơ hội. Chẳng ai cho tôi cơ hội nếu họ không tin tôi.

Bạn được lên chức, lên lương - phần lớn vì sếp tin bạn. Nếu sếp giữ bạn lại vì tình thế ép buộc, bạn cũng sẽ lên đường sớm thôi.

Người yêu bạn yêu bạn vì họ nghĩ rằng bạn là chỗ dựa bền vững trong cuộc sống - vì họ tin bạn. Nếu họ yêu bạn vì bạn giàu có, bạn có danh vọng - ai dám chắc ngày mai bạn còn những thứ này.

Cách xây dựng lòng tin trong công việc

Tôi không muốn đi quá xa trong việc xây dựng lòng tin trong cuộc sống. Vì bài viết này xoáy sâu vào "Kĩ năng lãnh đạo nhóm phần mềm", nên tôi sẽ chia sẻ cho bạn về cách để bạn làm cho đồng nghiệp và sếp của bạn tin tưởng bạn trong công việc. Tuy nhiên, nếu bạn vận dụng nó vào các lĩnh vực khác thì cũng không có sự khác biệt mấy

Thời hạn và cam kết kết quả

Tôi đã từng hỏi nhiều bạn lập trình viên: công việc của bạn khi nào xong?

Rất nhiều bạn trả lời: em cũng không biết nữa, chắc làm tới đâu hay tới đó anh ơi.

Một số bạn khác: anh cho em thời gian đi, từ từ em làm vì cái này khó quá.
Một số ít bạn: có lẽ là 1 tuần nữa xong đó anh.

Cả 3 trường hợp, tôi đều cho rằng bạn đã thất bại trong việc tạo lòng tin (ít nhất đối với tồi). Để tạo được lòng tin, bạn cần thể hiện được sự chắc chắn về việc cam kết trên thời hạn và kết quả bạn đạt được.

Tips: để đưa ra được sự cam kết, bạn không cần phải nói xạo/giả tạo. Hãy làm các bước dưới đây:

+ Suy nghĩ để chắc chắn mình hiểu rõ mong đợi và kết quả đạt được. Nếu bạn chưa có thông tin đó, hãy giả định - viết ra và xác nhận với đồng nghiệp/sếp.
+ Ước lượng dựa trên năng lực bản thân - xem mình mất bao lâu để đạt được kết quả.
+ Khi cam kết hãy nói một cách quả quyết và dũng cảm - thể hiện sự tự tin của bạn một cách thật mạnh mẽ: chắc chắn tôi có thể hoàn thành trong ...

 Bạn cần rèn luyện khả năng ước lượng công việc bản thân và một điều quan trọng nhất ở bước này: DŨNG CẢM.

Khi bạn cam kết, không dùng những từ ngữ mức độ chắc chắn thấp: có lẽ, chắc là, có thể. Nếu bạn sợ mình nói vấp váp, bạn có thể nhớ câu thần chú này: TÔI CHẮC CHẮN/CAM KẾT CÓ THỂ LÀM XONG TRONG ...

Nỗ lực để giữ lời hứa

Khi bạn đã hứa/cam kết đừng để thất hứa. Phải nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tôi đã từng làm rất nhiều dự án với rất nhiều những khách hàng khác nhau. Chúng tôi chứng minh lời hứa với khách hàng bằng sự nỗ lực - đôi khi phải chiến đấu miệt mài suốt nhiều ngày liền không ngủ.

Tôi đã từng làm việc với nhiều người đồng nghiệp, nhiều sếp khác nhau. Vì cam kết của mình, tôi có thể phải từ bỏ những kế hoạch cá nhân để đảm bảo mình không thất hứa.

Cái tôi đạt được quý giá nhất không phải là vị trí, sự nghiệp mà là lòng tin của mọi người. Nó là một phần giá trị bản thân tôi mà tôi phải xem nó như máu thịt.

Lòng tin của con người như một cô gái đỏng đảnh - nếu bạn thất hứa với cô ấy một lần, cô ấy sẽ từ bỏ bạn.

Thể hiện kết quả/cập nhật tiến độ

Có nhiều bạn đồng nghiệp khi làm một việc gì, chỉ đợi đến phút cuối mời trình bày cái mình làm. Họ sợ mình thể hiện kết quả giữa chừng mà không tốt thì người khác đánh giá thấp. Đây là một trong những nguyên nhân bạn ít được người khác tin hoặc DÁM tin bạn.

Một công việc làm trong một khoảng thời gian dài - chẳng ai dám đợi bạn đến phút cuối mới biết bạn làm đúng hay sai. Sai lầm ở những phút cuối cùng luôn là sai lầm kinh khủng nhất.

Khi bạn nhận một công việc, hãy suy nghĩ cách thức làm việc để tạo ra kết quả có thể kiểm chứng được trong thời gian sớm nhất và theo nhiều giai đoạn.

Ví dụ: tôi nói tôi sẽ đóng cái ghế trong 5 ngày với một người bạn. Tôi sẽ xác định kế hoạch để cho bạn tôi kiểm chứng hoặc đóng góp ý kiến:

Ngày thứ nhất: đóng 4 cái chân ghế.
Ngày thứ hai: đóng phần thân ghế...
Ngày thứ ba: đóng phần dựa của ghế.
...

Nếu công việc của bạn không chia được để nhìn thấy kết quả từng phần - thì hãy cập nhật tiến độ công việc của bạn thường xuyên. Trên thực tế, rất hiếm có trường hợp này xảy ra. Phần lớn là do bạn không biết cách thể hiện kết quả công việc một cách từng phần mà thôi.

Nhiều lúc cái bạn cập nhật không phải là kết quả, mà là sự chia sẻ những khó khăn vướng mắc mà bạn gặp phải. Đó cũng là cách để người khác cảm thấy an tâm hơn về bạn. Qua đó, bạn có thể tìm thấy sự giúp đỡ hoặc cách làm cho công việc tốt hơn.


Thực hành

Bạn đã đọc xong phần lý thuyết/cách vận dụng của bài này. Bây giờ, bạn phải thực hành nó ngay lập tức.

Hãy nhớ 3 câu thần chú dưới đây:
(1) Tôi sẽ làm mọi việc với sự cam kết mạnh mẽ trên kết quả và thời hạn.
(2) Tôi sẽ nỗ lực bằng mọi giá để giữ cam kết
(3) Tôi sẽ cập nhật/chia sẻ kết quả đạt được thường xuyên với người tôi cam kết

Có một bài tập bỗ trợ mà bạn có thể luyện mỗi ngày để giúp bạn có sự tự tin trong cuộc sống và công việc:

Hãy đứng trước gương - nhìn thẳng vào mắt mình - mở mắt lớn - suy nghĩ tập trung về một việc mình đang/sắp làm/việc mà bạn đang gặp khó khăn. Sau đó, dồn hết sự dũng cảm/tự tin của bản thân mình và nói thật to: TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC. TÔI LÀ SỐ MỘT - TÔI CÓ THỂ VƯỢT QUA MỌI THỨ (Lặp lại liên tục 3 - 10 lần). Bạn có thể làm đến khi nào bạn nhìn thấy nét tự tin thể hiện tràn đầy trên gương mặt của bạn =>bạn đã làm đúng cách.

Lặp đi lặp lại bài tập này mỗi ngày trong liên tục một tháng sẽ biến bạn thành một con người hoàn toàn khác - mạnh mẽ và tự tin. Đây là một phương pháp đã được kiểm chứng. Đừng xem thường nó - có những điều thật sự rất nhỏ, nhưng nó có thể làm thay đổi cả cuộc đời bạn.

Trở thành lãnh đạo nhóm phần mềm sau 18 ngày

Thursday, April 12, 2012 0 phản hồi


Lời mở

Có rất nhiều quyển sách dạy bạn lập trình với tựa đề rất hấp dẫn: "Lập trình C# trong 24h", "Học VB.NET trong 7 ngày"... Tuy nhiên, tôi chẳng tìm thấy quyển sách nào với ý tưởng "Trở thành lãnh đạo nhóm phần mềm trong X ngày/giờ".

Tôi thấy đây là một đề tài khá thú vị để viết vì nó độc đáo và cũng là một phương thức để tôi chuyển tải những kinh nghiệm của tôi (mà đến giờ tôi vẫn thấy nó còn áp dụng được trong nhiều hoàn cảnh) đến cho những người anh em đồng nghiệp. Tôi lựa chọn con số 18 để diễn đạt cho 18 chủ đề quan trọng - và cũng là khoảng thời gian hợp lý (18 ngày) để các bạn đọc/cảm nhận/thực hành.

Tôi không cam kết bạn sẽ có năng lực Lãnh đạo nhóm phần mềm sau  18 ngày khi đọc xong những chủ đề này. Vì điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào bản thân bạn. Tuy nhiên, nếu bạn vận dụng những điều bạn chiêm nghiệm được từ 18 ngày này, tôi có thể cam đoan bạn sẽ thăng tiến nhanh chóng trong công việc.

Hiểu rõ lãnh đạo nhóm là gì?

Trước khi đi tiếp, tôi muốn giải thích rõ quan điểm/định nghĩa về cụm từ "lãnh đạo nhóm" trong phạm vi bài viết này.

Lãnh đạo nhóm là một kĩ năng CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC. Kĩ năng đó giúp bạn dẫn dắt một tập thể để đạt được một hoặc nhiều mục tiêu xác định. Trong loạt bài viết này, bạn đừng nhầm lẫn với vai trò "Lãnh đạo nhóm dự án (Team Leader)" đã quen dùng trong công việc hàng ngày.

Ở mọi vị trí cao nhất trong thang nghề nghiệp của bạn (đặc biệt là lĩnh vực phần mềm), bạn không thể vươn lên hoặc thành công được nếu thiếu kĩ năng này - bất kể bạn chọn con đường kĩ thuật hay quản lý. Vì vậy, nó được xem là kĩ năng tối quan trọng để giúp bạn thành công trong công việc.

18 ngày đọc - chiêm nghiệm - thực hành

Loạt bài viết này của tôi với mục đích chia sẻ những điểm then chốt để trang bị kĩ năng lãnh đạo nhóm. Ở mỗi bài sẽ có những hướng dẫn để bạn thực hành. Các bài thực hành này cần được bạn thực hiện thường xuyên và vận dụng xuyên suốt trong công việc hàng ngày của bạn. Càng thực hành nhiều bạn sẽ cảm nhận được tác dụng của nó. Đọc loạt bài này một cách lý thuyết suông thì cũng chẳng thể giúp ích gì cho bạn được.


Ngày 1: Tạo lòng tin với mọi người
Ngày 2: Diễn đạt trơn tru điều muốn nói
Ngày 3: Lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu
Ngày 4: Không có gì là không thể
Ngày 5: Lửa
Ngày 6: Người hùng của tôi ơi


Ngày 7: Phân tích và hệ thống hóa
Ngày 8: Ra quyết định
Ngày 9: Thảo luận hay tranh cãi
Ngày 10: Lỗi lầm này là của tôi
Ngày 11: Cây gậy và củ cà rốt
Ngày 12: Khủng hoảng ... chết tôi rồi
Ngày 13: Tìm đường
Ngày 14: Kế hoạch ...


Ngày 15: Xây dựng đội ngũ
Ngày 16: Cây gậy và củ cà rốt
Ngày 17: Đánh giá con người
Ngày 18: Trao quyền hay ủy nhiệm?

Các chủ đề này được tôi sắp xếp theo ưu tiên từ dễ đến khó. Ở những bài cuối cùng (15, 16, 17, 18) - tôi sẽ cố gắng viết để bạn có thể thực hành ngay khi bạn vẫn còn ở những nấc thang đầu tiên (không cần phải đóng vai trò "cao cấp" trong tổ chức mới thực hiện được.

Hy vọng là loạt bài này sẽ giúp ích được nhiều cho các bạn. Mọi ý kiến đóng góp các bạn cứ thẳng thắn comment trên bài viết nhé.

Thân



Trẻ và già

Thursday, January 12, 2012 0 phản hồi

Cuối năm, nhìn lại 7 năm trước của đời mình để so sánh giữa "trẻ" và "già":

  • Trẻ: cứ nghĩ rằng thể hiện bản thân mình là tốt. Già - mới hiểu rằng làm cho những người xung quanh thể hiện được bản thân mình thì tốt hơn.
  • Trẻ: nghĩ rằng nhanh là tốt. Già - ngộ ra rằng hiệu quả quan trọng hơn nhiều.
  • Trẻ: cứ thao thao bất tuyệt để thể hiện cái mình biết. Già: lắng nghe và chia sẻ để biết nhiều hơn.
  • Trẻ: sống hết mình. Già: sống đúng với mình vì biết mình ... gần hết sống.
  • Trẻ: nghĩ rằng mình biết nhiều hơn người khác là giỏi. Già: giỏi là phải biết cách kết hợp những người biết nhiều và làm cho những người biết nhiều biết nhiều hơn nữa.

Bí quyết có tên gọi "Ám ảnh"

Monday, October 31, 2011 1 phản hồi

Chiều, team gặp vấn đề với việc gọi Ajax bằng JQuery đến web service để lấy data trên PhoneGap. Nhóm bị vướng mấy ngày mới raise vấn đề.

Lên lầu 10, test ... google ... test ... google gần nửa tiếng. Mớ lý thuyết về security model của mình trên browser bị lủng vì đụng phải một số trường hợp không giải thích được. Lúc chạy, lúc không chạy.

Câu nói cuối cùng cho Cường (HTML Lead): khi bế tắc một vấn đề, hãy biến nó thành nỗi ám ảnh và đừng bao giờ bỏ cuộc=> chắc chắn sẽ giải được.

Về nhà không chịu nổi, test lại thử "chân lý" của mình một lần nữa. Thành công và có thể hiểu được bản chất của bài toán.

Lặp lại, lặp lại, lặp lại một lần nữa: mọi bài toán đều có lời giải, chỉ cần biến nó thành một nỗi ám ảnh và đừng bao giờ bỏ cuộc!





SHL

Monday, October 24, 2011 0 phản hồi

SHL - châm ngôn tôi áp dụng vào cuộc sống thường nhật có đôi lúc không chạy ra kết quả tôi mong đợi. Cũng đơn giản, cuộc sống hiện đại là một cuộc đấu tranh. Giờ càng hiểu ra rằng: càng mở lòng thì càng dễ bị tổn thương và chịu sự tấn công từ nhiều phía.

Hóa ra sống hết lòng vì ai đó, sống hết lòng vì một lý tưởng nào đó không đơn giản. Ai dám bảo: tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến! Hài!


Ăn cắp

Sunday, October 9, 2011 1 phản hồi

Cách đây hơn 1 năm, tôi chuyển qua sử dụng Ubuntu vì yêu cái triết lý chia sẻ trong thế giới nguồn mở. Tôi đã từng tự hào rằng: trong danh sách những người Việt Nam ăn cắp phần mềm, tên tôi đã mờ đi một ít.

Gọi là "mờ" chứ không phải biến mất - vì đôi lúc tôi cũng cần dùng một số phần mềm đã hack cho một số công việc nhất định mà thế giới nguồn mở còn chưa cho tôi thỏa mãn.

Một lần, có một sự cố nhỏ xảy ra trong dự án tôi đang hỗ trợ. a Martin - CTO của công ty - hỏi xem có cách nào để sync 2 database giữa 2 môi trường khác nhau để giải quyết cho khách hàng hay không. Tôi đáp: có thể dùng SQLYog để tạo ra bảng so sánh và script để fix. Chức năng này chỉ có từ bản Pro. Tôi share cho anh version của SQLYog đã hack trên máy cá nhân của tôi.

5 phút sau, anh bảo "Đã mua xong SQL Yog - nhưng chỉ 1 bản. Nếu sau này cần dùng thì lên máy anh sử dụng". Bỗng dưng tôi cảm thấy mình hổ thẹn. Cái thói quen sử dụng phần mềm "lậu" của người Việt làm tôi thấy mình thấp hơn trong những nền văn hóa khác. Ít nhất ở thời đỉểm này.

Một số nhóm đang chuyển sang Ubuntu. Tôi mừng vì một số bạn khá hứng thú và cũng đang dần thích nghi với môi trường HĐH mới. Dù có nhiều khó khăn - tuy nhiên nếu cố gắng, tôi nghĩ không có gì là không vượt qua được. Chí duy nhất có một điều khó khăn duy nhất ngăn trở bạn thay đổi tập quán sử dụng phần mềm: thói quen ăn cắp.

Chiều nay, cô bạn đăng ký học tin học A gọi điện hỏi xem mình có tài liệu nào không? Mình hỏi: Tin học A bây giờ họ dạy gì? Bạn đáp: M$ Word, M$ Excel.

Tôi cười thầm: ai trả tiền cho những bản MS Office kia thế nhỉ? Nền giáo dục Việt Nam chăng?