Sự năng động của tuổi trẻ và kinh nghiệm tuổi già trong ngành phần mềm

Saturday, February 21, 2009 0 phản hồi

Trong một buổi training + open talk về kĩ thuật cho công ty của một người bạn, có một bạn trẻ đặt cho tôi 2 câu hỏi:
1/ Em thấy nhiều người cho rằng kinh nghiệm của những người đi làm lâu năm chiếm ưu thế hơn so với sự nhạy bén và sáng tạo của tuổi trẻ - theo anh, quan điểm này đúng hay sai? Em cảm thấy rằng, người trẻ thường nhanh nhạy trong việc giải quyết vấn đề. Và em nghĩ đây mới là điều quan trọng trong ngành phần mềm.

2/ Em nghĩ rằng tuổi thọ của ngành phần mềm chỉ dừng lại ở độ tuổi 40. Vì sau thời điểm đó, con người không còn đủ sự nhanh nhạy và sáng tạo nữa - mà sáng tạo chính là yếu tố sống còn đối với một người đi theo ngành này. Vậy điều này có đúng không? Nếu đúng, anh hãy cho em 1 lời khuyên: em nên làm gì khi ở tuổi 40?

Tôi nghĩ rằng đây là cũng là thắc mắc của khá nhiều người. Vì vậy tôi post 2 câu hỏi này lên đây để chúng ta cùng trao đổi.

Dưới đây là nguyên văn câu trả lời của tôi cho bạn trẻ đã nêu ra 2 câu hỏi trên:
1/ Anh đánh giá rất cao sự sáng tạo và nhạy bén của tuổi trẻ. Ngành phần mềm hay bất cứ ngành nào khác đều rất cần sự sáng tạo. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng là một yếu tố rất quan trọng. Kinh nghiệm giúp ta định hướng vấn đề đúng đắn hơn. Một cách dễ hình dung, có thể xem rằng:

Sự sáng tạo của người trẻ thường giúp trả lời nhanh cho câu hỏi: HOW, WHAT.
Kinh nghiệm của người già thường giúp trả lời nhanh câu hỏi WHY

Biết HOW, WHAT, mà không trả lời được WHY thì sẽ không định hướng được và không hiểu được bản chất vấn đề. Biết WHY, mà không trả lời được HOW, thì sẽ không hiện thực được bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, WHY là câu hỏi được đánh giá quan trọng nhất trong cuộc sống. Nếu nhìn lại lịch sử của khoa học, tất cả mọi phát minh, tri thức của nhân loại phần lớn đều bắt đầu từ câu hỏi TẠI SAO. Chính vì vậy, kinh nghiệm được ưu tiên hơn một chút so với sáng tạo. Tuy nhiên, điều này không hẳn hoàn toàn đúng - vì nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

Nên kết hợp cả hai yếu tố này để tối đa hóa sức mạnh sẵn có của chúng.

2/ Nếu nhìn lại những cây đại thụ trong ngành phần mềm: Robert C. Martin, Kent Beck, Martin Fowler... Phần lớn họ là những người đã vượt qua 40 tuổi. Tuy nhiên, ngày nay họ vẫn tiếp tục đóng góp rất nhiều cho ngành phần mềm và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.

Như anh đã đề cập ở trên, sáng tạo là cần thiết nhưng ko phải là tất cả. Khi có nhiều kinh nghiệm, em sẽ được sắp xếp ở vị trí để em phát huy tối đa sức mạnh đó - và thường là những vị trí quan trọng. Cũng không ai nói rằng người già thì không còn sáng tạo. Giá trị của những sáng tạo ở tuổi già thường đem lại những đóng góp vĩ đại vì nó được thai nghén và kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn.

Do đó, đừng quá lo sợ. Điều đáng sợ nhất là: mình đã quá già nhưng không có kinh nghiệm mà cũng không có sự sáng tạo.


Anh không thể cho em lời khuyên ở tuổi 40, nhưng anh có thể cho em lời khuyên ở hiện tại: hãy cố gắng rèn luyện bản thân, nâng cao kinh nghiệm trong công việc, trau dồi kiến thức. Và điều cơ bản hơn cả là: hãy đam mê. Trong bất cứ ngành nghề nào, nếu leo đến đỉnh cao sự nghiệp cũng đều đem lại vinh quang như nhau.