Tướng giỏi - anh là ai?

Wednesday, July 22, 2009 1 phản hồi

Chiều nay, tôi tình cờ nghe một mẫu đối thoại giữa 2 người bạn làm tôi phải suy nghĩ khá nhiều:
A: anh làm ở vị trí nào trong công ty?
B: mình làm project manager - ở bộ phận quản lý.
A: chuyên môn của anh là gi?
B: ...
A: ở VN, ít có PM nào không xuất phát từ vị trí developer. Trước đây anh đã từng làm trên những domain nào?
B: mình vào làm ở vị trí quản lý trực tiếp. Chuyên môn của mình là quản lý dự án.
A: wow.
B: ở công ty mình, các department được chia ra theo nhóm chức năng để chuyên môn hóa. Vì vậy người quản lý chỉ tập trung vào quản lý dự án.

Tôi không có ý kiến về mẫu đối thoại ở trên, nhưng tôi thực sự muốn chia sẻ ở góc nhìn của một người thiên về kĩ thuật. Sau mẫu đối thoại đó, tôi tự chiêm nghiệm lại những gì mình đã từng trải qua khi đã từng là một người lính và đôi khi (cần) là một vị tướng. Câu hỏi lớn nhất trong đầu tôi suốt bao năm qua là: làm thế nào để trở thành tướng giỏi?

Trải qua nhiều năm chinh chiến, tôi rút ra được một số kinh nghiệm trận mạc. Vì vậy, tôi muốn truyền tải đến những người anh em đã, đang và sẽ cùng sát cánh bên tôi những đức tính mà tôi cho rằng một vị tướng giỏi bắt buộc phải có. Đó cũng chính là phương châm mà tôi áp dụng trong công việc hiện tại:

1. Gần như không có một vị tướng giỏi nào mà không từng chiến đấu như một người lính. Vì vậy hãy thấu hiểu và chia sẻ với đồng đội của bạn dù ở bất cứ cương vị nào như những người anh em trên cùng một chiến hào.

2. Một người lãnh đạo (leader) giỏi phải có khả năng định hướng cho tập thể. Vì vậy, nếu không có kinh nghiệm chuyên môn và nỗ lực hơn người khác, thì bạn không thể làm lãnh đạo. (không thể chấp nhận một người leader chỉ đơn thuần quản lý task, theo dõi tiến độ, và chỉ nói mà không biết làm).

3. Cho dù ở bất kì hoàn cảnh khắc nghiệt nào đi nữa, hãy hiểu rằng tâm trạng/ tinh thần của bạn chính là của cả tập thể. Bạn không được nản chí hoặc ít nhất không thể hiện điều đó ra trước mặt những người đồng sự. Phải động viên chính bản thân mình thì mới có thể động viên được người khác.

4. Đức hy sinh: trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, hãy là người tiên phong gánh chịu trách nhiệm. Dù thành viên của bạn có phạm phải sai lầm chết người nào đi nữa thì đó cũng là lỗi của chính bạn. Vì một lãnh đạo giỏi sẽ không thể để thành viên của mình phạm sai lầm. Hãy nhường vinh dự và phần thưởng cao quý nhất cho những thành viên của bạn nếu đạt được thành quả - vì không có họ, bạn sẽ không là gì cả.

5. Dám công nhận khuyết điểm trước tập thể: nếu bạn phạm sai lầm, hãy thừa nhận rằng mình sai. Đừng cố gắng bao biện hoặc đỗ lỗi cho hoàn cảnh. Không nghiêm khắc với chính mình, thì không ai có thể phục bạn được.

6. Truyền lửa: hãy đốt cháy chính mình để lan tỏa ngọn lửa cho tập thể. Tôi không bao giờ làm bất kì điều gì mà không dồn hết sức với tất cả đam mê, nhiệt huyết. Chính điều đó sẽ giúp cho đồng đội của tôi sẽ cùng tôi thắp lên một ngọn lửa lớn để đốt cháy những khó khăn trước mặt.

Tôi tin rằng không có một người lãnh đạo giỏi nào không có đủ những đức tính ở trên. Tôi kỳ vọng những người đồng sự của tôi và tôi sẽ trở thành những người lãnh đạo giỏi trong tương lai.