Thế giới sẽ xem phim như thế nào 10 năm nữa

Sunday, March 7, 2010 0 phản hồi

Đã từ lâu rồi, công việc và những suy nghĩ mệt mỏi làm cho trí tưởng tượng của tôi không còn hoạt động tốt. Cuối tuần, dành vài giờ ra công viên ở q7 để thư giãn. Chạy về ngang qua rạp chiếu phim ở Cao Thắng, trong tôi bỗng lóe lên một câu hỏi: trong 5 đến 10 năm nữa nhân loại sẽ xem phim như thế nào? Tôi cứ đắm chìm trong những suy nghĩ điên rồ và mơ mộng ấy mãi cho đến lúc về đến nhà.

Tôi vẽ lại viễn cảnh ấy trong tương lai để chia sẻ cho bạn – người đang đọc bài viết này. Mục đích của tôi rất đơn giản: những ý tưởng khó thực hiện cần được chia sẻ và truyền tải cảm hứng đến cho nhiều người để xác suất hiện thực của nó tăng lên. Bạn cũng có thể cho rằng tôi là một kẻ điên rồ. Tuy nhiên, tôi vẫn kì vọng những ý tưởng điên rồ có thể làm nên những cuộc cách mạng.


Ý tưởng 1: K-Film

K-Film là khái niệm do tôi tạm nghĩ ra để mô tả về một thể loại phim có cốt truyện được phát triển theo nhiều nhánh. Nếu bạn đi từ nút gốc đến nhánh lá cuối cùng, bạn sẽ có một câu chuyện với nội dung hoàn chỉnh. (Khôi hài một chút: K là chữ cái bắt đầu tên tôi, nhưng nhìn kĩ lại bạn sẽ thấy nó giống một cành cây có 2 nhánh chỉa ra ngoài)

Trong giấc mơ của tôi vào 10 năm nữa, bạn sẽ thấy câu chuyện sau đây:
Hôm nay, rạp sẽ khởi chiếu bộ phim "Bạch Tuyết và 7 chú lùn". Có một chàng trai dẫn bạn gái mình vào rạp xem phim. Hai người sẽ được phát cho một thiết bị gắn vào trán để xem phim cùng nhau. Thiết bị này hiện nay gọi là Head mounted display (HMS) - đã được phát triển từ rất lâu trong công nghệ thực tế ảo. Tuy nhiên, tôi cố tình thêm chức năng cho nó. :)

Đến đoạn mụ phù thủy đem chiếc lược đến để bán cho công chúa, màn hình trước mắt họ sẽ hiện ra câu hỏi:
Bạn muốn xem tiếp nhánh phim nào?
a. Công chúa ngỏm vì chiếc lược nhưng được 7 chú lùn cứu sống.
b. Công chúa thấy mụ có vẻ gian quá, nên không cho mụ vào nhà và đuổi đi.


Anh chàng bảo cô gái: cốt truyện theo (a) đọc trong chuyện cổ tích thì ai cũng biết hết rồi. Anh với em xem nhánh (b) nghen?
Cô gái trả lời: uhm, được á.
...
Đoạn kế tiếp ko cần kể. :) Tuy nhiên, tôi kì vọng khái niệm K-Film này sẽ đem đến cho khán giả một trải nghiệm hoàn toàn mới. Có thể có hàng trăm, hàng ngàn người xem phim, nhưng mỗi người sẽ được thưởng thức một câu chuyện hoàn toàn khác biệt.

Ý tưởng này không có gì thách thức về kĩ thuật, mà chỉ là thách thức về yếu tố kinh tế (chi phí làm phim sẽ rất cao). Để hiện thực nó, có lẽ cần một nhà làm phim nào đó đi tiên phong để tạo thành một phong trào.

Ý tưởng 2: Y-Film

Y - Film (You - film): là thể loại phim trong đó người xem sẽ khám phá và trải nghiệm chính bản thân họ trong bộ phim. Có nhiều mức để hiện thực hóa khái niệm này:

Mức 1: người xem sẽ được quét hình ảnh khuôn mặt họ trước khi xem. Hình ảnh này sẽ được gắn vào nhân vật họ đã chọn. Điều này giúp họ hòa mình vào chính bộ phim đang thưởng thức.

Mức 2: người xem sẽ được đưa vào một căn phòng rộng, và khám giá một thế giới 3D thực tế ảo trong bối cảnh phim (tất nhiên là chỉ ngồi một chỗ). Họ có thể xem, nghe, nếm, ngửi để trải nghiệm mạnh mẽ hơn bối cảnh trong phim.

Mức 3: người xem sẽ được tham gia vào một bối cảnh hành động của phim. Ví dụ: có thể tham gia một trận đấu kiếm, cưỡi ngựa bắn súng, ... Cách thức tham gia vẫn sử dụng công nghệ thực tế ảo, bằng cách đeo thiết bị HMS như ý tưởng (1) nhưng có thể cần thiết bị phụ trợ.


Thật sự, 3 mức ý tưởng này đã được hiện thực và đưa vào cuộc sống rải rác trên thế giới.
+ Bạn có thể đã từng xem phim 4-D ở Đầm Sen, Suối Tiên, ... (mức 2).
+ Ở Disney Land, cách đây 10 năm đã từng có những trò chơi thực tế ảo - cho phép bạn tham gia hành động thật - chứ không thao tác trên máy tính hay máy playstation (mức 3).
+ Tôi đã từng tham gia vào một dự án kĩ thuật cho phép hiện thực hóa mức 1 của ý tưởng này.
Tuy nhiên, chưa từng có một bộ phim nào đình đám trong làng giải trí áp dụng chúng để tạo nên một cuộc cách mạng trong nghệ thuật thứ 7 (có thể yếu tố kinh phí đã tác động khá lớn).

Leonardo Da Vinci đã từng ôm ấp những giấc mơ đến tận cuối đời. Ông có rất nhiều phát kiến, nhưng không đủ khả năng để hiện thực. Trong những bản thảo của ông tìm thấy sau này, người ta thấy ông vẽ gương mặt mình và những đường nguệch ngoạc khi bế tắc cách hiện thực.

Tôi không kì vọng được vĩ đại như ông, nhưng tôi có cái may mắn hơn là được sinh ra vào thời có Internet. Thay vì vẽ gương mặt mình và những nét loằng ngoằng bế tắc, tôi truyền cảm hứng của tôi cho những người có khả năng qua bài viết này trên blog ...

Biết đâu nhỉ, chờ 10 năm nữa nào.