Suy nghĩ tích cực làm thay đổi cuộc đời

Tuesday, January 19, 2010 3 phản hồi

Có nhiều bạn từng tâm sự với tôi:
"Tại sao em làm ở công ty X lâu quá mà em chưa được lên chức? Lương thì bèo bọt. Em thấy em biết nhiều kiến thức, làm cũng tương đối được việc mà sếp ko đả động gì đến. Chán quá."

Đây có lẽ là một câu hỏi chung của rất nhiều bạn, mà cũng có thể là của rất nhiều bạn đồng nghiệp của tôi. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với các bạn những ý kiến dưới góc độ của một người trong cuộc qua bài viết này.

Thoát khỏi bế tắc từ suy nghĩ


Cách đây 5 năm, tôi luôn bị ám ảnh bởi suy nghĩ: làm sao để thành đạt, làm sao kiếm được nhiều tiền? Tôi làm project outsource liên tục, thay đổi công ty liên tục. Trung bình một ngày chỉ ngủ 4-5 giờ vì phần còn lại tôi dành cho công việc và cập nhật những kiến thức cho công việc. Mỗi lần thay đổi công ty tất nhiên mức lương mới sẽ cao hơn ở công ty cũ. Trong hơn 5 năm đi làm, tôi đi qua liên tục 5 công ty, làm những vị trí, vai trò khác nhau. Có một điều sau này tôi nhận ra rằng: mình vẫn ko thoát khỏi sự bế tắc trong cuộc sống. Mỗi khi qua công ty mới, mọi thứ phải setup lại từ đầu. Không tên tuổi, không thương hiệu. Thanh gươm kiến thức trong tay cũng đã mòn vì không đi chuyên sâu vào bất cứ lĩnh vực nào.

Có một lúc tôi chợt tỉnh giấc và hiểu ra rằng: nếu mình ko thay đổi suy nghĩ, thì mãi mãi vẫn chỉ sống trong cái vòng lẩn quẩn này. Đến một lúc nào đó, sức cùng lực kiệt - liệu có thể phiêu lưu mãi nữa hay không?

Kể từ đó, tôi rũ bỏ đi bớt những suy tính cá nhân, lao vào trau dồi những kiến thức nền tảng để củng cố lại mình. Tôi chấp nhận một mức lương thấp hơn nhiều so với công ty cũ. Mỗi giờ làm việc ở công ty, tôi dồn tất cả sự đam mê và tâm huyết. Tôi mở lòng mình ra để chia sẻ với mọi người những gì tôi biết và mong muốn cả tập thể cùng tiến bộ. Càng lúc tôi càng hiểu ra rằng: càng suy nghĩ đến tiền, danh vọng sẽ không đem lại cho mình ích lợi gì cả. Vì về bản chất, tiền bạc và danh vọng chỉ là hệ quả của sự nỗ lực cho một mục tiêu. Ở đời, không có gì nguy hiểm bằng việc không biết mục tiêu của mình là gì.

Thật ra tôi chỉ đạt được một phần của mục tiêu mà tôi đang theo đuổi. Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng chính từ sự thay đổi cách suy nghĩ đã giúp tôi thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

Những căn bệnh về suy nghĩ làm cho bạn không thể thành đạt trong công việc


Căn bệnh 1: nhầm tưởng rằng có nhiều kiến thức là có thể thành đạt.
Thật sự đây chỉ là một điều kiện cần, chứ không phải là điều kiện đủ. Không có công ty nào trả lương cho bạn vì những gì bạn biết, mà là vì những gì bạn đóng góp. Nếu có nhiều kiến thức, nhưng bạn không đóng góp nhiều cho công ty, thì kiến thức của bạn đối với họ chỉ là con số 0.

Tôi không phản đối việc bạn phải học thêm kiến thức, nhưng tôi muốn nói đến yếu tố: nên học cái gì?
Có nhiều bạn từng hỏi tôi rằng: lĩnh vực kĩ thuật quá rộng, làm sao em học hết để đáp ứng nhu cầu công việc.


Trả lời: 
Kiến thức về cơ bản có thể phân tách thành: nguyên lý (principles), ứng dụng (practices), và giá trị mà nó đem lại (values).  Nguyên lý thì thay đổi chậm theo thời gian và thật sự chỉ thay đổi khi có sự đột phá từ những cuộc cách mạng về công nghệ/ nghiên cứu lý thuyết. Ứng dụng và giá trị thì thay đổi liên tục và nhiều vô tận.

Nói ví dụ cho dễ hiểu trong phần mềm:

+ Kiến thức về OOP, Design pattern, các phương pháp luận làm phần mềm, các nguyên lý thiết kế hệ thống, .. được xem là những principle.
+ Các ngôn ngữ lập trình, các framework phát triển ứng dụng, cách xài các thư viện hỗ trợ phát triển, .... là những practice và cũng cung cấp cho bạn những value khác nhau tùy vào lĩnh vực.

Trau dồi principle là cách giúp bạn có nền tảng và nhanh chóng nắm bắt tất cả các practices trong nhiều mảng khác nhau. Nhiều bạn đã quan tâm quá nhiều đến "chiêu" (practice) mà bỏ quên nền tảng sẽ dễ dàng bị fail trong các kì phỏng vấn, và thậm chí không được đánh giá cao trong tổ chức.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải quan tâm đến những mảng kiến thức mà công ty đang cần. Suy nghĩ nhiều hơn về cách để đón đầu những cơ hội sắp tới và trau dồi kiến thức cần thiết cho mục tiêu của bạn.

Căn bệnh 2: quá chú trọng vào cá nhân mà không nghĩ đến tập thể
Ví dụ 1: Khi viết code, có người nghĩ: chỉ cần viết cho xong, chạy đúng. Code mình, mình hiểu. Cần gì viết cho ai hiểu.

Phân tích: Sai rồi bạn ạ. Thời của những lập trình viên anh hùng đã đi qua. Ở thời đại này, bạn không thể làm được gì nếu không làm việc cùng đồng đội (teamwork). Thứ hai, chất lượng code đánh giá chất lượng một lập trình viên. Bạn không muốn hoàn thiện sản phẩm mình làm ra, thì liệu bạn có được tổ chức đánh giá cao không nhỉ?

Ví dụ 2: tôi thích mọi người phải theo ý tôi cơ. Tôi luôn đúng và phải chứng tỏ cho mọi người thấy điều đó. Tôi phải luôn thắng trong mọi cuộc thảo luận.

Phân tích: áp đặt ý kiến là một điều không tốt. Hơn nữa, bạn không thể là thánh, nên không thể tránh khỏi sai sót. Khi một người đồng nghiệp phát biểu một ý không đúng với những gì tôi nghĩ. Tôi luôn đặt ra 2 trường hợp:

+ Tôi và anh ta đang nhìn ở 2 góc nhìn khác nhau trên cùng một vấn đề. Có thể đây là một góc nhìn mới mà tôi chưa nhận ra. Tôi ghi nhận và vẽ nó ra trên bảng để chúng tôi cùng xem xét.

+ Có thể một trong 2 chúng tôi đang nhìn về một sự vật, nhưng mỗi bên có một suy nghĩ méo mó khác nhau. Có thể có người sai. Nhưng theo thuyết tương đối mà nói: luôn có khả năng để điều sai trở thành đúng trong một tình huống đặc biệt.

Tôi luôn khuyến khích mọi người trình bày về quan điểm của mình, và nếu cần thì nhờ họ đưa ra những chứng minh và hành động để phân tích một cách cụ thể.

Một điểm quan trọng nữa: mục tiêu của thảo luận là để tìm giải pháp cho vấn đề, chứ không phải là một buổi trình diễn âm nhạc. Thảo luận sẽ trở thành vô nghĩa nếu nó đi quá xa mục tiêu ban đầu của nó.

Căn bệnh 3: không thích chia sẻ

Ví dụ 1: tớ biết cái này hay lắm, nhưng bí mật. Chỉ mình tớ biết thôi đấy nhé. Thấy tớ có hay không?

Phân tích: Đây là căn bệnh trầm kha của dân IT Việt Nam. Bạn làm được nhiều điều rất hay, bạn có nhiều kinh nghiệm quý báu. Bạn giữ nó làm gì cho riêng bạn? Thế giới Internet phát triển quá xa rồi, bạn có chắc rằng điều bạn đang giữ thực sự là một bí mật về công nghệ. Chia sẻ để cùng nhau phát triển và nhận được nhiều hơn, đó là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi cá nhân trong tổ chức.

Ví dụ 2: mình mới làm xong một product/ hoặc có idea khá hay. Nhưng mà nhát quá, nói ra thấy ngại ngại sao á. Có cần nói cho sếp ko nhỉ? Thôi khỏi, chắc chắn ổng biết mình giỏi rồi.

Phân tích: không ai biết bạn đã làm được gì nếu bạn không nói. Âm thầm đóng góp là một điều tốt, tuy nhiên sẽ thiệt thòi nếu không ai công nhận. Mạnh dạn lên bạn nhé. Hơn 20 rồi đấy, nhát thế thì làm sao ... tán được gái nhỉ?

Căn bệnh 4: thiếu thái độ nhiệt huyết và chủ động trong công việc

Ví dụ 1: sếp giao cho 1 task. Nhưng chưa biết làm có được không nữa, chừng nào biết chắc chắn làm được hoặc làm xong thì báo luôn thể.

Phân tích: có biết rằng sếp đang run lắm khi chờ đợi bạn trả lời ko nhỉ? Ít ra bạn phải chủ động báo cáo tiến độ định kì. Nếu sau vài lần như vậy, có lẽ bạn sẽ không nhận được task quan trọng hay cơ hội nào nữa đâu.

Ví dụ 2: cái task này khó quá, mà cũng chả bổ ích gì đối với mình hết. Thôi, không làm đâu.

Phân tích: không ai trả lương cho bạn để bạn làm cái bạn thích cả, họ trả tiền cho công việc mà họ cần. Từ chối một thử thách chính là từ chối đi cơ hội của chính bạn. Hãy tập vượt qua thử thách, đó chính là những kinh nghiệm bổ ích cho cuộc đời bạn.

Ví dụ 3: chán quá, chán quá, chả có việc gì làm hết.

Phân tích: chán là một biểu hiện tâm lý của việc không còn đam mê trong công việc. Không có đam mê = failed. Những người thành đạt luôn tao ra task cho chính mình để cải tiến bản thân hoặc tổ chức, cơ bản vì họ luôn có đam mê và khát khao. Đó là yếu tố giúp họ thành công.


Lời kết

Viết mệt quá, còn nhiều bệnh nữa. Nhưng chắc để update sau đi. Hôm nay vầy đủ rồi.