Tôi đọc như thế nào?

Wednesday, December 30, 2009 2 phản hồi

Những ngày gần đây, tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị từ thói quen đọc sách của chính mình và những điểm thiếu sót mà trước đây tôi từng vấp phải khi đọc. Tôi viết lại vài dòng để chia sẻ với các bạn. Tuy nhiên, tôi mong đợi nhiều hơn nữa là có thể truyền cho các bạn niềm đam mê khám phá những kiến thức từ sách. Vì vậy, tôi sẽ viết … nhiều hơn một chút so với thường lệ.

Lịch sử thói quen đọc sách của tôi – những câu chuyện cười ra nước mắt

Có thể nói đọc sách là một thói quen tôi được ba mẹ truyền cho từ thưở bé. Khi tôi còn chưa biết đọc, quyển sách đầu tiên ba mua cho tôi là “Sát thát” – một quyển truyện tranh viết về lịch sử thời Trần. Vì không biết đọc, nên tôi phải nhờ mẹ đọc từng dòng và chỉ hình, rồi giải thích cho tôi nghe. Có lẽ vì quyển truyện tranh ấy khá phù hợp với trí tưởng tượng của tôi lúc nhỏ (thích tưởng tượng mình cầm quân đánh trận), nên những chi tiết của nó đọng lại trong tôi thành một nỗi ám ảnh. Tôi vẽ những nét nguệch ngoạc theo trí nhớ về câu chuyện: nào là Trần Quốc Toản bóp nát quả cam, nào là Trần Khánh Dư cướp thuyền lương của giặc, Ô Mã Nhi bị bắt sống, … Tất nhiên là vẽ xấu hoắc, nhưng những nét vẽ ấy đã thắp cho tôi một niềm đam mê khám phá những chân trời mới từ sách.

Lớn lên một chút, ba mua cho tôi rất nhiều sách. Thời đó, các tác phẩm văn học Nga khá phổ biến. Năm tôi 7 - 8 tuổi, tôi được đọc “Vasca – người bạn nhỏ của tôi”, “Timua và đồng đội”, “Ông già Khốt-ta-bit”, “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, … Những quyển sách ấy trở thành người bạn quen thuộc trong kí ức tuổi thơ tôi.

Có một điều tai hại mà sách mang đến cho tôi là làm cho tôi biết yêu quá sớm. Năm học lớp 2, tôi đọc quyển “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” (quyển này ngoài bìa có ghi là “dành cho các bạn tuổi thiếu niên >=15 tuổi”). Tình yêu trẻ con và những cuộc phiêu lưu kì thú của cậu bé Tom Sawyer làm tôi bị ám ảnh và … “bắt chước”. Trong lớp có một cô bé rất xinh cứ làm tôi cứ tưởng tượng đến Becky – nhân vật “bạn gái” của Tom Sawyer. Tôi quyết định viết thư “tỏ tình” với nàng. Thật tình là trí tưởng tượng của tôi thời đó bị lai tạp từ rất nhiều quyển sách, kể cả chuyện cổ tích. Do đó, trong bức thư tôi viết có những đoạn đại loại như:
Mình muốn trở thành chàng hoàng tử bên cạnh bạn, cô công chúa xinh đẹp ạ.… (hic, giờ nghĩ lại thấy phát sốt với mình luôn).

Bức thư tỏ tình của tôi đã không đến được tay người đẹp. Nó rơi vào tay cô Kim (em họ của ba tôi sang ở nhà tôi để học may). Tất nhiên là cô đọc bức thư đó cho cả nhà cùng nghe. Xấu hổ đến mức muốn chui xuống đất. Đó là “tai nạn nghề nghiệp” đầu tiên đến với tôi từ sách.

Lúc học phổ thông tôi thích đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh (ông này làm tôi chuyển hướng qua trường phái “yêu thầm” – có lẽ sẽ tiếp tục chủ đề này ở bài khác), tiểu thuyết văn học, đọc thơ, truyện ngắn,… Do đọc nhiều, nên cách tôi làm văn, cách tôi viết cũng “già” hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Thầy dạy văn tôi năm lớp 9 sau khi chấm bài xong, phán một câu xanh rờn: “thầy đọc bài của em thấy có rất nhiều những ý tưởng, cách nghĩ mà ở lứa tuổi em không thể có được. Nếu bài kiểm tra này không phải ở trong lớp, có lẽ thầy đã nghĩ rằng em “đạo văn” từ sách rồi.”


Cái gì khiến tôi thích sách?

Lúc còn nhỏ, khi đọc một tác phẩm văn học, điều làm tôi thú vị nhất là khám phá được chính mình hoặc một thế giới khác từ nội dung câu chuyện. Nó kích thích trí tưởng tượng của tôi để lạc vào những cuộc phiêu lưu kì thú trong thế giới sách.

Lớn lên một chút, ba phát hiện tôi không hào hứng lắm với những giáo trình về lịch sử, khoa học trong lớp. Ba bảo tôi rằng: nếu con tập cho mình thói quen và niềm đam mê khám phá những tri thức mới (chứ không chỉ là những câu chuyện giải trí đơn thuần), con sẽ thấy sách hấp dẫn và bổ ích hơn nhiều. Và … tôi đã tập. Mỗi khi biết thêm một điều mới, khám phá một quan điểm hay cách nghĩ mới từ một quyển sách – tôi cảm thấy thực sự mình trưởng thành hơn một chút. Rồi từ đó, những quyển sách về lịch sử, xã hội, và cả những chủ đề khoa học cũng trở thành một sở thích của tôi: “Những điều kì thú quanh em”, “175 thí nghiệm khoa học dành cho trẻ em”, Việt Nam sử lược, … kể cả sách thuốc: Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, …

Năm tôi học lớp 7, tôi biết cách tạo ra những cánh hoa mười giờ với những màu sắc khác nhau kết hợp (trên cùng một cây) bằng cách tiêm nhựa từ thân của các loại hoa mười giờ khác màu vào thân chúng. Thí nghiệm đó chỉ ngẫu hứng từ một quyển sách viết về di truyền học và gen (giờ quên mất tựa rồi).
Những quyển sách, những câu chuyện đã trở thành một phần những ví dụ minh họa mỗi khi tôi truyền đạt vấn đề cho người khác. Chúng làm cho vấn đề truyền đạt có sức hút hơn, hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, việc đọc làm cho khả năng viết của tôi tốt hơn. Những bài làm văn của tôi thưở bé không bao giờ ít hơn 3 trang, và không bao giờ < 7 điểm.
Ngoài ra đọc sách cũng là một trong những cách giúp tôi giảm stress và “mềm” đi sau những giờ làm việc mệt mỏi và căng thẳng. Có người bảo: dân IT khô khan như ngói. Ít ra đến thời điểm này, tôi không cảm thấy mình là một mảnh ngói như vậy.

Một lợi ích nữa của việc đọc sách (đặc biệt là các sách tiếng Anh) là giúp tôi mở rộng vốn từ trong giao tiếp đặc biệt là khả năng viết. Khi đọc nhiều, cách viết, cách vận dụng câu cú để diễn đạt đã nhập vào đầu một cách tự nhiên mà tôi không cần phải gắng sức suy nghĩ.

Điều quan trọng hơn nữa, tôi vận dụng những điều đã đọc vào công việc, cuộc sống. Nó đem lại cho tôi những kết quả bất ngờ ngoài sự mong đợi. Khi kiến thức được trải rộng ra nhiều mảng, tôi có thể dễ dàng vận dụng để giải quyết nhiều vấn đề, và tư duy nhanh để tiếp nhận những kiến thức mới.

Nếu bạn cảm thấy mình chưa thích sách, hãy thử và trải nghiệm xem. Biết đâu bạn có thể khám phá ra nhiều lợi ích khác nữa từ sách hơn tôi.

Những sai lầm của tôi (cũng có thể là của một số bạn khác) khi đọc sách

Những ngày đầu tiên đi làm, tôi vấp phải một sai lầm khi đọc những quyển sách về kĩ thuật. Tôi đọc chỉ để ứng dụng trong công việc, kiếm tiền. Đặc biệt trong lĩnh vực IT, tâm lý phổ biến của developer là thích đọc code nhiều hơn đọc nội dung sách. Cái trường phái tips-and-trick đó đã làm tôi bị hoang mang. Có thể “code” được, nhưng khi bị hỏi những câu hỏi sâu về kiến thức là mù tịt. Nó giống như luyện võ chỉ biết chiêu, mà không có nội công căn bản, múa được quyền rất đẹp, nhưng khi đụng đến là ngã – vì không có nội lực.

Một thằng bạn đồng nghiệp thời đó đã truyền cho tôi cảm hứng về việc đào sâu “bản chất vấn đề”. Thực sự trong những người tôi từng gặp trong đời, ít có ai có khả năng tư duy và kiến thức rộng về các mảng kĩ thuật như anh chàng này. Tôi đặt một câu hỏi lớn trong đầu mình: cùng một tuổi với mình, tại sao hắn có thể biết nhiều và sâu như vậy?

Dần dần tôi phát hiện ra rằng, trong thói quen đọc của hắn không những chỉ quan tâm “làm như thế nào” , mà còn chú trọng đến những câu hỏi về bản chất “Tại sao vấn đề được đặt ra?”, “Tại sao họ làm như vậy?”, “Những khái niệm cơ bản của vấn đề này là gì?”… Khi đã hiểu được bản chất của vấn đề thì hoàn toàn có thể lý giải và biết “cách để giải quyết nó”.

Sai lầm thứ hai của tôi là đi theo trường phái thực dụng. Khi đọc sách về kĩ thuật, tôi luôn đặt câu hỏi: tại sao mình nên đọc quyển sách này? Sau khi đọc mình ứng dụng được gì trong công việc hiện tại? Càng về sau này, tôi cảm nhận được rằng: thực sự ta không biết tương lai sẽ diễn ra như thế nào? Tuy nhiên, những gì ta biết ngày hôm nay sẽ là thuận lợi của ta vào ngày mai. Chỉ có trời mới biết được điều đó.
Ngoài ra còn một số điểm sai lầm khác khi đọc sách kĩ thuật rất thường thấy của dân IT Việt Nam :

- Ngại đọc nội dung chi tiết, vì lười tra từ tiếng Anh.

- Thích đọc code/ xem hình ảnh và chỉ focus vào code/ hình ảnh minh họa mà không quan tâm đến tính cốt lõi và tinh túy của vấn đề. Để biết mình có thuộc tuyp người này hay không, hãy thử lấy random một cuốn sách đã từng đọc, và dùng tối đa 3-5 câu để phát biểu về core value của quyển sách. Nếu bạn không thể trả lời được, có nghĩa là bạn đang mắc vào hội chứng này.

- Đọc chỉ đơn thuần là để hiểu mà không vận dụng vào thực tiễn.

- Bị ám ảnh bởi những thứ tưởng là mình biết, dẫn đến không thể tiếp thu được kiến thức mới từ sách. Khi xem phim 2012, tôi bị tác động bởi một chi tiết nhỏ mang tính triết lý trong bộ phim. Anh chàng học trò hỏi thầy (một nhà sư): “thế giới sắp diệt vong, liệu có cách nào cứu vãn không thầy?” Nhà sư chỉ im lặng rót trà vào tách. Đến khi tách trà tràn cả ra ngoài, ông vẫn cứ rót tiếp. Anh chàng học trò giục thầy: ơ kìa, sao thầy cứ rót mãi thế? Thầy không thấy trà tràn ra ngoài sao? Nhà sư chỉ lẳng lặng đáp: mọi thứ trên đời này giống như một tách trà. Khi nó đầy, nếu con không đổ bớt trà ra, thì con không sẽ không thể rót thêm trà vào tách.


Khi đọc sách cũng thế, những gì ta cho rằng ta biết sẽ là “quán niệm” (những ý niệm làm ta ì đi trước những quan điểm mới của sách). Nếu đầu bạn đã đầy ắp những quán niệm, bạn sẽ không tiếp thu được gì cả. Tôi thường biến mình thành một đứa trẻ ngây thơ khi đọc sách. Như vậy, mới có thể giúp tôi dễ dàng đón nhận những điều mới mẻ từ chúng.


Tôi đang đọc sách như thế nào?

Thật sự mỗi người đều có một cách riêng của mình khi đọc sách. Tôi cũng vậy. Những cách mà tôi đang practice thực sự là hiệu quả đối với tôi. Tôi hy vọng nó cũng có thể hiệu quả đối với bạn. Nhưng có thể bạn sẽ khám phá ra nhiều cách hơn. Mọi thứ trên đời để hiểu được đều cần sự trải nghiệm. Đúng không nào?

Thói quen 1: khi bắt gặp những câu nói, lý thuyết khó hiểu, tôi bắt đầu đi từ khái niệm. Khái niệm là những viên ngọc cấu thành của mọi vấn đề. Hiểu được nó, ta sẽ hiểu được lý thuyết. Đây chính là điểm làm cho nhiều người nghĩ rằng tôi quá “hàn lâm”. Tuy nhiên, nếu bạn gặp những vấn đề tương tự, hãy thử cách này xem.

Thói quen 2: cố gắng nắm bắt core values của một quyển sách. Đọc xong một quyển sách, nếu không trả lời được giá trị của nó là gì, thì những điều bạn đọc có thể trở thành vô nghĩa.

Thói quen 3: rũ bỏ hết chấp nê (“biến mình thành một kẻ khờ khạo”) để sẵn sàng đón nhận những tư tưởng mới.

Thói quen 4: luôn đặt ra những câu hỏi khi đọc sách và háo hức chờ đợi nó được trả lời trong nội dung sách (có thể là ở những chương kế tiếp).

Thói quen 5: phân tích cách đặt vấn đề của tác giả.

Thói quen 6: ghi chú lại những điều tâm đắc hoặc nội dung chính của quyển sách. Mỗi người có một cách khác nhau. Riêng tôi, mỗi khi đọc – tôi sử dụng XMind làm công cụ để ghi chú và cấu trúc hóa lại những gì đã đọc. Xmind phiên bản mới có một template khá chuẩn là Reading Journal. Nếu đọc xong sách mà bạn có thể fill hết nội dung vào file tạo ra từ template này, có nghĩa là bạn đang đọc “đúng hướng” (thanks anh Vinh đã phát hiện và giới thiệu).

Lời kết

Tôi thường nói với những người bạn một câu đã trở thành triết lý sống mà tôi đang theo đuổi:

Muốn thành công phải có sự đam mê và lòng kiên nhẫn.
Thật sự, cái khó nhất của một đời người là thắp cháy lên ngọn lửa đam mê cho chính mình. Hãy tập thắp cho mình đam mê từ những thói quen tốt nhỏ nhất. Chắc chắn bạn sẽ thành công. Trong đó, đọc sách là một thói quen tốt mà bạn nên thử. Nó cũng rèn luyện cho bạn cả đức tính kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng một chân trời tri thức đang rộng mở.

Bản thân tôi (vì những lý do riêng) không thể dành nhiều thời gian để tận hưởng những giây phút hạnh phúc của riêng mình – sách với tôi đã trở thành những người bạn. Mỗi lần đọc sách, tôi tưởng tượng mình đang mài vũ khí của chính mình (vũ khí đó chính là tri thức) – để nó trở nên sắc bén hơn và giúp tôi đối mặt với những trận chiến mới trong cuộc sống.

Hỡi những người bạn lập trình viên trẻ, đừng để tuổi trẻ của mình trôi đi quá nhanh. Đến khi bạn nhận thấy mình đã già, mà gươm vẫn không sắc. Lúc đó đã quá muộn, sao có thể chiến đấu được nữa? Đúng không nào?